Đi du lịch qua ba điểm Hongkong, Việt Nam và Campuchia nhưng điều khiến đôi vợ chồng người Canada lưu luyến nhất là các món ăn Việt Nam. Dưới con mắt họ, đồ ăn Việt Nam sinh động, thư thái và đáng yêu như con người nơi đây.
Mùa thu năm ngoái, chúng tôi đi du ngoạn tới 3 điểm tại châu Á, nhưng đến giờ tâm trí tôi vẫn nhớ Việt Nam nhất, bởi đồ ăn ở đó rất tuyệt. Ở Vancouver (Canada), đồ ăn Việt cũng có nhiều nhưng quả thực hương vị ở “nguồn cội” mới gây xúc cảm đặc biệt.
Thật lạ lùng, tôi có cảm giác đồ ăn Việt rất giống với con người ở đây, sống động, thư thái, vui tính và đáng yêu. Bản tính sôi nổi ấy dường như góp một phần tạo nên sức sống mãnh liệt của người Việt Nam,dù phải trải qua bao cuộc chiến tranh gian nan và bất khuất.
Từ Hà Nội vào miền Trung, đến TP HCM và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đồ ăn thức uống thay đổi dần theo địa lý và khí hậu. Có thể nói, các nhà hàng Việt ở Vancouver chỉ mới lướt qua bề mặt của sự đa dạng này. Ở đó, chúng tôi chưa từng biết đến mùi vị của các loại rau thơm đậm đà, các loại nước mắm, một hương vị đặc trưng được sử dụng trong nhiều món ăn Việt Nam.
Trong phần đầu lịch trình thưởng thức ẩm thực Việt Nam, chúng tôi đến nhà hàng chả cá Lã Vọng ở Hà Nội. Những miếng cá được xắt nhỏ, rán giòn trên chảo mỡ sôi nhè nhẹ, ăn với rau thì là, nghệ, bún và lạc rang. Thực khách tự tay rán cá với một lò than củi đặt trên bàn, thực ra cá đã chín, bạn không phải chờ lâu mà chỉ giúp món ăn thêm thú vị, vừa ăn vừa xuýt xoa.
Tối đến, chúng tôi lang thang đi tìm các quán ăn vỉa hè, theo lời người hàng xóm của chúng tôi giới thiệu, anh ta đã đến Việt Nam một năm trước. Chúng tôi vào một hàng bán bánh bao nhân thịt và bánh tôm, tôi ăn nhiều đến nỗi mà dạ dày phồng lên như quả bóng.
Sau đó, chồng tôi lại muốn đi tìm thử món phở, anh không muốn bỏ lỡ cơ hội khi đang có mặt ở Hà Nội. Anh ngồi xuống trên chiếc ghế nhỏ, cùng với những người bản xứ và húp xì xoạp một bát phở đầy ú. Bà bán hàng cùng cậu con trai luôn tay thái những miếng thịt bò mỏng dính và nhúng vào thùng nước dùng đang sôi, rồi chia suất cho khách. Ngồi bên cạnh, tôi tò mò dùng đũa gắp thử một miếng, quả thực hương vị rất ngon.
Ở Hà Nội, chúng tôi còn nhớ một điểm lý tưởng nữa, đó là nhà hàng Wild Lotus. Vào trong một tòa nhà có kiến trúc kiểu Pháp đẹp, chúng tôi đi lên cầu thang bằng đá cẩm thạch, qua một vòi phun nước, tới tầng hai. Những nhân viên nữ ở đây đều nhỏ nhắn và xinh đẹp, họ mặc áo dài, còn nhân viên nam thì mặc comple.
Thật đáng ngạc nhiên, các món ăn chính của nhà hàng đều có giá trung bình khoảng 6 đô la Canada. Tôm rán quấn bún sợi, dùng với nước chấm màu mận chín, cá vược nướng, thịt lợn và đào lộn hột, nấm, ớt nướng, nem và bún xắt nhỏ…Tổng cộng chi phí là 60 USD cùng với rượu.
Đến miền Trung, chúng tôi dừng chân tại Hội An. Dọc bờ sông Thu Bồn có rất nhiều các quán ăn, quán mang tên Mr Dong có đặc sản là bánh tôm, bánh chuối và mì cũng rất ngon. Vào khách sạn ở Hội An, chúng tôi được dùng bữa sáng tự chọn với nhiều món ăn thay đổi hàng ngày, tính kèm tiền phòng.
Quán café “Cafe des Amis” có tên trong sách hướng dẫn du lịch. Ông chủ tên là Kim, đi giày da đen, bận áo vét, đi lại khệnh khạng và trò chuyện với khách hàng bằng những câu chuyện tôi đoán là đã nói đến cả ngàn lần.
Ở Hội An, chúng tôi còn gặp hai người bạn trẻ đến từ London, họ dẫn chúng tôi đi qua những ngõ tối, đến nhà hàng mang tên “Khu vườn bí ẩn”. Sau khi thưởng thức các món súp có hương hồi, thịt và cá hầm với me, thịt lợn xiên…, chúng tôi chụp ảnh lưu niệm với các nhân viên của nhà hàng nữa. Họ rất vui vẻ và sẵn lòng!
Điểm cuối chuyến đi là TP HCM. Mỗi sáng, tôi đứng trên cửa sổ tầng 4 của khách sạn, nhìn xuống đường, nơi có một phụ nữ đi xe đạp, treo xung quanh là vô số các loại túi đựng hàng hóa, nào trứng, nào có, nào thịt…Các bà nội trợ ở các cửa hàng hai bên đường đi ra, ung dung xem đồ và mua mỗi thứ một ít. Bán xong, người phụ nữ đó lại lên xe, các túi nilon lại kêu sột soạt.
Dường như việc mua bán đồ ăn tại siêu thị không phổ biến ở Việt Nam. Họ chủ yếu mua ở chợ và hàng rong trên đường.
Tại TP HCM, điểm ưa thích nhất của tôi là Quán Ăn Ngon. Các quầy hàng được xếp quanh nhà hàng mang phong cách Pháp, mỗi quầy là một món ăn ở khắp Việt Nam. Bạn có thể đi xung quanh, xem xét và chọn những gì mình thích. Tôi ước sao họ đem quán ăn này đến Vancouver.
Một địa điểm lý tưởng nữa là Nhà hàng Xu xinh đẹp. Ăn tự chọn 4 lượt giá khoảng 27 USD, 8 lượt có giá 44 USD. Thực đơn gồm có cá ngừ rắc vừng đen, nem cá ngừ, bánh bột gạo cùng với cá, rau giá và hẹ tây, thịt bò om me, bí nghiền nhừ, hoa bí, súp cua với trứng chim cút luộc, đậu, ớt, sò với sa lat xoài xăng và sả. Món tráng miệng là bánh kem sầu riêng và bánh tạc caramen sô cô la.
Cuối cùng, thức uống không thể quên được là cà phê của Việt Nam, rất đậm đà. Khi thảnh thơi, bạn có thể chờ cà phê nhỏ từng giọt xuống đáy cốc, bên dưới là sữa đặc có đường. Chúng tôi đã mua vài gói về Cananda, để có thể nhâm nhi và nhớ đến những người bạn Việt Nam, những người chúng tôi đã quen biết trong chuyến đi. Một số hình ảnh của chuyến đi:
![]() |
Bà chủ quán phở bận bịu luôn tay |
![]() |
Bánh gạo lạ mắt |
![]() |
Bày biện đẹp |
![]() |
Nhân viên ở Nhà hàng Wild Lotus |
![]() |
Chọn đồ ở Quán Ăn Ngon |
![]() |
Một người bán hàng chở đầy vịt sau xe |
![]() |
Chợ cá |
![]() |
Chợ rau vỉa hè. |
(Theo Đất việt)
Leave a Reply